Đăng quang Karl XII của Thụy Điển

Vua Karl XII cùng Thái hoàng Thái hậu và các em gái chạy khỏi lâu đài Tam Vương (Stockholm) đang cháy lớn. Họa phẩm của họa sĩ Johan Fredrik Höckert ("Slottsbranden i Stockholm den 7 maj 1697", 1866).

Sự giáo dục của Hoàng tử Karl bị gián đoạn vĩnh viễn khi ông lên 14. Vào ngày 5 tháng 4 năm 1697, vua Karl XI qua đời ở tuổi 42.[4] Theo Luật pháp Quốc gia, Hoàng thái tử Thụy Điển chỉ có thể lên ngôi ở tuổi 18.[20] Vì thế, vị vua khi hấp hối đã cử một hội đồng phụ chính trong đó có bà nội của Thái tử, Thái hoàng Thái hậu Hedvig Eleonora. Sau khi vua cha qua đời, vua Karl XII dự các phiên họp của Hội đồng Phụ chính và lập tức gây ấn tượng tốt bằng cách đặt những câu hỏi thông minh và, hơn nữa, bằng cách im lặng lắng nghe người lớn tranh luận.

Ngay sau khi vua Karl XI qua đời, một lâu đài cổ bốc cháy ở kinh đô Stockholm. Có lẽ đây chỉ là một sự cố, nhưng nhiều người Thụy Điển cho rằng: đây là điềm báo họ sẽ được giải phóng khỏi chế độ quân chủ chuyên chế. Một số người khác bảo: đây là điềm báo một thời đại nào đó sẽ chấm dứt.[25] Rất may là tân vương Karl XII đã được cứu sống.[26]

Trong vòng 6 tháng, mọi người thấy hiển nhiên là Hội đồng Phụ chính không thể làm việc. Các thành viên thường bất đồng ý kiến nên không thể đi đến quyết định. Vì vẫn còn nhớ di chúc của vị vua quá cố rằng họ sẽ chịu trách nhiệm về hành động của họ cho đến khi vua Karl XII đến tuổi trưởng thành, các quan phụ chính càng sốt sắng hỏi ý kiến của Karl về mọi chủ đề đang thảo luận. Thế nên, càng ngày những người quanh ông càng muốn chiều lòng ông, và quyền uy của các Phụ chính càng suy giảm. Chính phủ Thụy Điển bị tê liệt. Giải pháp duy nhất là tuyên cáo Thái tử đã đến tuổi trưởng thành, tuy lúc ấy mới được 15 tuổi, và tháng 11 năm 1697 họ đã tấn phong ông làm vua của Thụy Điển. Ông được kế thừa một Quân đội hùng mạnh kể từ thời vua Gustav II Adolf, và một đế quốc bao gồm Phần Lan, Pomerania, Estonia, Livonia và một số thành phố của người Đức như Bremen, Verden và Stettin [11]

Đối với đa số thần dân, lễ đăng quang của Karl XII gây cú sốc. Ông không muốn bị ai kiểm soát, và muốn tỏ rõ điều này. Ông từ chối nghi lễ đăng quang theo truyền thống như các vua trước: một người nào đó cầm vương miện đội lên đầu ông. Thay vào đó, ông tuyên cáo rằng vì ông được sinh ra để lên ngôi chứ không phải được bầu, nghi lễ đăng quang tự nó là vô nghĩa. Ông chỉ đồng ý cho phép giám mục tôn phong ông, để phù hợp với Thánh kinh ghi rằng quân vương là người của Thượng đế được xức dầu. Cậu thiếu niên 15 tuổi từ chối cất lời thề theo truyền thống, và tự đặt chiếc vương miện lên đầu mình.

Nghi lễ lạ lùng như thế được tiếp nối bởi tính cách của vị vua mới. Giới quý tộc đã mong Karl sẽ nương nhẹ chính sách của vị vua quá cố mà cho họ thêm quyền tự chủ, giờ đau khổ mà thấy quân vương trẻ nhất quyết theo đuổi chính sách hiện hữu. Thành viên của hội đồng chỉ biết lắc đầu khi thấy nhà vua tự tin, bưởng bỉnh, nhất quyết không đổi ý một khi đã quyết định. Chính khách Thụy Điển hối hận vì tấn phong vị vua trẻ trước tuổi trưởng thành, nhưng đã muộn. Bây giờ, cả đất nước hùng mạnh nhất Bắc Âu đều phải thuần phục uy quyền tuyệt đối của một thiếu niên cứng đầu, ngang ngạnh. Cảm nhận họ có ý thù nghịch, Karl quyết định hạ thấp hội đồng, nếu không xóa bỏ.

Dù phải dành thời giờ cho công vụ, Karl vẫn là một thiếu niên hiếu động, ham thích hoạt động thể chất mãnh liệt, muốn thử thách thể chất và tinh thần của mình trong khó khăn. Ông yêu thích trò chơi nguy hiểm là tập trận giả, sử dụng lựu đạn giả tuy không làm chết người nhưng có thể gây thương tích.